Nguồn gốc tên gọi Lập Thạch

Trong số các địa danh các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay, Lập Thạch là tên huyện tương đối ít biến động suốt chiều dài lịch sử. Nguyên nghĩa chữ Lập Thạch (立石) theo Hán tự là "Đá dựng". Trước khi có tên huyện, thì đó là tên làng, làng Lập Thạch, bởi trong làng có cột đá dựng tự nhiên, tựa như một tòa miếu cổ trên Núi Đền (Điện Sơn 殿山)[1]. Về sau làng Lập Thạch đổi gọi là xã Lập Thạch gồm có 4 thôn:

  1. Do Nha thôn (hoặc Miêu Nha Thôn, thường gọi là xóm Ngà, nay là thôn Minh Tân);
  2. Vĩnh Quang thôn (hay Đại Trù thôn - thường gọi là xóm Chùa, nay là thôn Đoàn Kết);
  3. Đại thôn (hoặc Đại Trung thôn, Cao Trung thôn, thường gọi là làng Cả, nay là thôn Thống Nhất và thôn Đại Thắng), phần thôn Thống Nhất ngày nay trước đây còn gọi là Mộc Dong thôn, thường gọi là xóm Da;
  4. Văn Lâm thôn (hoặc Văn Minh thôn, thường gọi là xóm Trại, nay là thôn Minh Khai)[2].

Đầu những năm 50 thế kỷ XX, xã Lập Thạch được ghép với xã Yên Xá thành xã Yên Thạch, nay xã Yên Thạch thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại xã Lập Thạch trước kia có ngôi chùa Long Hoa (Long Hoa Tự) xây dựng từ thời nhà Lý, được coi là "đại cổ tích danh lam"[3] bị phá dỡ trong những năm 60 thế kỷ XX, hiện nay mới được nhân dân tôn tạo lại. Tại chùa trước đây có quả chuông được đúc từ thời nhà Lý, đến năm Đinh Mùi (1787) do chùa bị cháy, chuông bị hỏng, phá ra đúc tiền sau đó lại được đúc lại vào năm Kỷ Mùi (1799). Quả chuông cao khoảng 120 cm, chạm hoa văn cầu kỳ và khắc bài minh văn chữ Hán trên bốn mặt chuông với khoảng 80 dòng, 4000 chữ. Dòng ghi địa danh cho biết Tam Đới phủ, Lập Thạch huyện. Lập Thạch, Thiều Thạch nhị xã dữ Văn Minh thôn..." nghĩa là: "2 xã Thiều Thạch, Lập Thạch cùng với thôn Văn Minh huyện Lập Thạch phủ Tam Đới..."[1]Trong các thư tịch cổ, địa danh huyện Lập Thạch được chép lần đầu tiên trong sách Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên, và đặc biệt là trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1479, sử quan Ngô Sĩ Liên đã chọn chép vào phần Bản kỉ toàn thư, Quyển thứ VIII, Kỉ nhà Trần một đoạn có nhắc đến tên huyện Lập Thạch[1]: Thiếu Đế, Kỉ Mão (Kiến Tân) năm thứ 2 (1399), (Minh Thái Tổ kiến văn, năm thứ nhất). Tháng 8, tên cướp Nguyễn Nhữ Cái trốn vào núi Thiết Sơn, làm giả tiền giấy tiêu dùng. Gặp lúc Thuận Tông bị giết, Khát Chân bị chém, mới chiêu dụ dân lành được hơn vạn người, hoạt động ở các xứ Lập Thạch, Để Giang, Lịch Sơn, Đà Giang, Tản Viên, cướp bóc bừa bãi, các châu huyện không sao khống chế được. Căn cứ theo Đại Việt sử ký toàn thư các sách địa chí cổ về sau như Sơn Tây chí, Sơn Tây tỉnh chí khi chép về huyện Lập Thạch đều khẳng định ...nhi Lập Thạch tri danh thủy kiến, nghĩa là "tên huyện Lập Thạch, lần đầu tiên thấy có từ đó (tức từ "Đại Việt sử ký toàn thư)". Như vậy, năm 1399 là năm đầu tiên tên huyện Lập Thạch được chép vào chính sử. Tính đến nay, đây là một địa danh cấp huyện được ra đời sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc và tồn tại lâu nhất với trên 600 năm lịch sử. Đáng tiếc là khi chia tách huyện Lập Thạch, xã Yên Thạch (nơi có khối đá dựng - biểu tượng của xã Lập Thạch, huyện Lập Thạch) lại nằm trong địa phận huyện Sông Lô. Huyện Lập Thạch hiện nay không có khối đá nào lớn và đẹp như vậy.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lập Thạch http://www.dulichtet.com/lehoi_chitiet.php?newsID=... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2007/... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/dktn/... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/vh/03... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/vh/da... http://www.vinhphuc.gov.vn/lapthach/lapthach/vh/mo... http://www.vinhphuc.gov.vn/tag.1381d88ce295fe38.re... http://www.vinhphuc.gov.vn/tag.2f09540d9abd57c9.re... http://www.vinhphuc.gov.vn/tag.42609b4d6f3bed28.re...